GIỚI THIỆU





TỔNG QUAN VỀ CÔNG NGHỆ IN LỤA

1.1 VÀI NÉT VỀ KỸ THUẬT IN.
1.1.1 Nhu cầu in ấn trong cuộc sống.

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày đều có sự góp phần của công nghệ in ấn. Không những mang lại khả năng trao đổi thông tin nhanh chóng mà công nghệ in ấn còn góp phần tô điểm cho cuộc sống thêm rực rỡ và sinh động hơn.

Có thể kể ra một vài ví dụ sau: chai lọ thuỷ tinh, lon nước ngọt, áp phích quảng cáo, đĩa hát, bao bì bánh kẹo, túi xách, thùng giấy carton, quần áo, sách báo, sản phẩm sành sứ, nhựa, kim loại…

Vì thế nhu cầu in ấn trong cuộc sống rất lớn và cần thiết. Công nghệ in ấn từ đó cũng phát triển mạnh và đa dạng theo. Hiện nay, trên thế giới có nhiều công nghệ in ấn khác nhau, nhưng mỗi loại chỉ áp dụng được trong một phạm vi nhất định và có những ưu nhược điểm riêng. Do đó tuỳ vào nhu cầu sử dụng mà người dùng sẽ chọn một công nghệ thích hợp.

1.1.2 Các phương pháp in ấn.

Hiện nay, trên thế giới công nghệ in ấn phát triển khá đa dạng nhưng chủ yếu dựa trên hai phương pháp cơ bản là in có bản in và in không bản in.

1.2 Giới thiệu về công nghệ in lụa.
1.2.1 Khái niệm về in lụa.
In lụa (in lưới) là một phương pháp in thủ công đã xuất hiện từ vài thế kỷ trước nhưng cho đến nay vẫn rất phổ biến do có những ưu điểm sau:

- Dễ tổ chức, có thể tiến hành được ở quy mô gia đình cũng như quy mô xí nghiệp.

- In được những sản phẩm có kích thước bất kì, kể cả những mẫu nhỏ.

- In được những họa tiết tinh tế.

- In lụa có khả năng đáp ứng được nhiều yêu cầu về mỹ thuật cũng như trên hầu hết các vật liệu khác nhau như: in nylon, vải, mặt đồng hồ, mạch điện tử, kim loại, gỗ, giấy, ….

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhu cầu ngày càng đa dạng trong lĩnh vực in lụa và để đáp ứng nhu cầu thị hiếu thì việc in lụa thủ công đã dần được cơ giới hóa, tự động hóa. Quá trình tự động hóa đã và sẽ tạo ra nhiều dạng máy in lụa có năng suất cao, ổn định hơn so với phương pháp in thủ công. Không chỉ vậy, máy in lụa còn cho sản phẩm có chất lượng cao, đồng đều hơn.

1.2.2 Lịch sử phát triển của kỹ thuật in lụa:

a. Trên thế giới:

Ở Trung Quốc, vào thời phong kiến, mỗi khi triều đình muốn phổ biến lệnh truyền hay tấu chương thì phải huy động một lực lượng thợ vẽ có tay nghề lớn, vẽ và viết hoàn toàn bằng tay.

Vào thời nhà Thanh đã phát minh ra cách in bằng “màn lưới” tức in lụa ngày nay. Một thỏi đồng được nung nóng, đập, cán cho thật phẳng và mỏng khoảng 2-3 mm, rồi khéo léo khắc lên miếng đồng những chi tiết cần in, sau đó lấy mực đậm quét lên chỗ “rỗng” vừa khắc xong, mực xuyên qua phía dưới dính vào tờ giấy, xong tờ này tới tờ khác và cứ như thế người ta đã cho ra đời nghề in.

Vào năm 1885, ngành “in lụa” lan truyền sang các nước Châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ. Họ cải tiến thêm: lưới được căng khung gỗ, phương pháp “căng lưới”, gá lắp “bản lề” khung lưới lên bàn in và nhất là phương pháp chế bản in v.v…

Đầu thế kỷ 20, kỹ thuật in lụa đã có mặt ở hầu hết các nước phát triển nhưng bị chựng lại và dậm chân tại chỗ do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới. Mãi đến năm 1945 ngành in lụa mới thực sự đi vào công nghệ hoá. Thụy Sĩ chế tạo và sản xuất “lụa” (hiệu Monyl, Nybolt). Anh và Đức chế tạo và sản xuất các loại mực in chuyên dùng cho ngành in lụa. Mỹ có tiếng phát minh các loại phim chế bản in. Pháp thì rất thành công về màu vẽ và nhũ tương chế bản in thủ công.

Ngày nay, trên thế giới, kỹ thuật in lụa đã và đang phát triển rất mạnh, nhất là ở các nước Au Mỹ, với những trang thiết bị và máy tối tân, hoàn toàn tự động, in dây chuyền hàng loạt, năng suất lớn, kỹ thuật in cao và chất lượng tốt.

b. Ở Việt Nam.

            Đầu thập niên 1950, ông PHẠM ĐẠT TIẾT (1913 – 1962) - một kỹ sư cơ khí yêu nghề in lụa ở Pháp đã trở về Việt Nam và truyền bá kỹ thuật in lụa hiện đại. Ông là người đã khai sáng nên ngành in lụa ở Việt Nam. Ngành in lụa của chúng ta đã lê chậm từng bước do không có nhu cầu thị trường.

            Đến những năm 60, các mặt hàng in bông trên vải sợi tơ lụa và các mặt hàng quảng cáo mới được mọi người chú ý quan tâm. Khi ấy, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ngành in lụa của nước ta còn phát triển chậm. Nhất là đối với các nước Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc.

            Đầu thập niên 70, ngành in lụa ở Việt Nam có sự phát triển đáng kể nhưng chưa mạnh vì trình độ kỹ thuật vẫn còn thấp, máy in lụa chưa có, chủ yếu dùng phương pháp in thủ công nên năng suất và chất lượng không cao.

            Từ năm 90 đến nay, ngành in lụa ở nước ta phát triển mạnh. Phần lớn công nghệ và các loại máy được chuyển giao và nhập từ các nước có trình độ cao như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ... , rất ít được sản xuất từ các cơ sở, xí nghiệp trong nước.

            Hiện nay, máy in lụa được nhập từ nước ngoài có chất lượng tốt nhưng giá thành cao, không phù hợp với quy mô và vốn đầu tư của hầu hết các cơ sở in lụa ở Việt Nam. Vì vậy, việc sản xuất máy phục vụ cho ngành in lụa đang là một thị trường đầy tiềm năng và mới mẻ.

            Các loại máy in lụa trên thị trường hiện nay dùng xy lanh khí nén để truyền động cho các cơ cấu của máy, một số ít dùng động cơ điện, rất ít loại máy in lụa sản phẩm dạng đĩa tròn và dạng xoay nhiều màu.  Vì vậy việc thiết kế và đưa vào chế tạo loại máy này sẽ mang lại nhiều lợi kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành kỹ thuật in lụa nước nhà.

1.2.3 Các dụng cụ dùng trong in lụa

Các dụng cụ cơ bản để thực hiện in lụa bao gồm: khung lụa, mực in, bàn in, chổi in, chổi gạt mực, dụng cụ pha chế hồ in và dụng cụ để xử lý sản phẩm sau khi in.

Nguyễn Ngọc Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét